Giáo viên mầm non Montessori

GIÁO VIÊN MONTESSORI

Nhiều người cho rằng giáo viên Montessori thụ động còn giáo viên ở ngôi trường bình thường thì chủ động. Nhưng thực tế, điều đó lại hoàn toàn ngược lại.

Các hoạt động mà giáo viên Montessori phải thực hiện phần nhiều nằm ở quá trình chuẩn bị môi trường cho trẻ. Sau những chuẩn bị đó là khoảng thời gian tưởng chừng như “rảnh rỗi và bị động” nhưng thực chất đó là quá trình quan sát để sẵn sàng có mặt trợ giúp khi trẻ cần và để phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của trẻ.

Một điều chúng ta cần phân biệt rõ, giáo viên Montessori và giáo viên bình thường thuộc những cấp bậc khác nhau. Ta không thể biến một giáo viên bình thường thành một giáo viên Montessori. Ta phải tạo ra một giáo viên mới hoàn toàn. Bởi họ phải thay đổi tư duy của mình về giáo dục.

Ở ngôi trường bình thường, giáo viên có thể biết những học sinh của mình như thế nào qua biểu lộ hành vi của chúng và cô ấy biết mình phải quan tâm đến chúng và nuôi dạy chúng. Trong khi đó, giáo viên Montessori phải nhìn thấy những điểm chưa được bộc lộ ở trẻ. Đây là điểm khác biệt chính. Giáo viên Montessori có niềm tin rằng trẻ sẽ thể hiện cái tôi thực sự của chúng khi chúng tìm thấy bất kỳ công việc nào cuốn hút chúng.

Giáo viên Montessori luôn phải trải qua 3 thời kỳ:

Thứ nhất, giáo viên trở thành người giám hộ và coi sóc môi trường, tập trung vào việc tạo ra môi trường tốt nhất cho trẻ. Giáo viên phải sắp xếp giáo cụ một cách quy củ và đẹp đẽ, sáng bóng, đầy đủ để tất cả đều trông mới mẻ và hấp dẫn với trẻ. Giáo cụ phải hoàn thiện, đúng vị trí và sẵn sàng để sử dụng vào bất cứ lúc nào.
Bởi môi trường là điều căn bản. Môi trường phải hỗ trợ cho sự phát triển của cái sinh thể đang trong quá trình phát triển bằng cách giảm các trở ngại đến mức tối thiểu, và phải cho phép các năng lực của trẻ được tự do bằng cách cung cấp các phương tiện cần thiết cho các hoạt động sản sinh ra các năng lực này.

Thứ hai, sau khi đã chuẩn bị xong môi trường, giáo viên Montessori phải chú ý tới hoạt động của trẻ và biết cách thu hút trẻ bằng một tinh thần hào hứng, vẻ mặt rạng rỡ. Ví dụ như giáo viên nói với trẻ bằng tinh thần hào hứng rằng: “Hay là bây giờ chúng ta lau chùi chiếc bát này nhỉ?”, “Các con thấy sao nếu hôm nay chúng ta ra vườn hái hoa nhỉ?”… Trước khi khả năng tập trung của trẻ xuất hiện thì giáo viên có thể ít nhiều làm những gì cô ấy muốn, vì cô ấy không gây ảnh hưởng lớn đến trẻ. Bên cạnh đó, thái độ quan tâm của giáo viên đối với trẻ cũng giống như liều thuốc an thần, giúp trẻ thay đổi thái độ trở nên tích cực.

Thứ ba, khi trẻ đã hứng thú với một hoạt động nào đó, giáo viên không được phép, trong bất cứ trường hợp nào, can thiệp và làm đứt đoạn chu kỳ hoạt động và cản trở khả năng thể hiện của đứa trẻ. Nếu nó bị ngắt quãng, nó sẽ biến mất như bong bóng xà phòng cùng với những kỹ năng mà đáng nhẽ trẻ sẽ có thể học được thông qua hoạt động này. Bởi niềm đam mê của đứa trẻ không nằm ở công việc mà là ở việc chinh phục sự khó khăn của công việc đó. Mỗi trẻ thông qua hoạt động của mình đã đạt được tính tự chủ và cả nhóm đã đạt được tính tự chủ.

Khả năng kiềm chế, không can thiệp này của giáo viên chỉ có được qua luyện tập. Cô ấy phải hành xử như thể cô ấy ở đó chỉ để phục vụ bọn trẻ giống như một người giúp việc giỏi. Cô ấy chuẩn bị mọi thứ có thể để làm hài lòng chủ nhân của mình. Nhưng cô ấy không bảo chủ nhân phải làm gì. Cô ấy cất đặt lược chải tóc gọn gàng, nhưng không khuyên người chủ khi nào phải chải đầu. Cô ấy chuẩn bị thức ăn một cách cẩn thận nhưng không buộc chủ của mình phải ăn. Cô ấy bày chúng ra một cách đẹp mắt với sự chính xác rồi biến mất.

Giáo viên Montessori cũng phải hành động như thế với những tâm hồn đang lớn lên của trẻ. Tâm hồn của trẻ  chính là người chủ mà chúng ta cần phục vụ. Người giúp việc không làm phiền chủ nhân nếu ông chủ muốn ở một mình, nhưng khi người chủ cần trợ giúp, người giúp việc sẽ ngay lập tức có mặt.

Phục vụ ở đây không đơn thuần là phục vụ bình thường mà là phục vụ phần tinh thần của trẻ. Nếu những giáo viên thông thường thấy đứa trẻ bẩn thỉu, cô ấy sẽ đem trẻ đi tắm; thấy quần áo của trẻ xộc xệch, cô ấy sẽ chỉnh lại. Đây là tư tưởng của giáo viên thông thường, phục vụ có nghĩa là phải làm mọi thứ cho trẻ như tắm rửa, thay đồ, cho trẻ ăn… Những giáo viên Montessori không làm như vậy. Bởi như chúng ta biết, để một đứa trẻ có thể trưởng thành, chúng phải tự làm những việc này.

Nền tảng của phương pháp giảng dạy Montessori là đứa trẻ sẽ không được phục vụ theo cách này. Đứa trẻ phải dần dần giành được tính tự chủ về thể chất bằng cách làm việc một mình và không bị can thiệp. Chúng ta phải giúp đứa trẻ làm một mình, tự hình thành ý chí của mình. Đây là nghệ thuật của người giúp việc tinh thần. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thấy được sự phát triển của những đặc tính tuyệt vời của trẻ.Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, người giám sát, chỉ bảo từng em để trẻ phát triển tư duy, tự nâng cao tính độc lập và tự tin. Các em sẽ ở với giáo viên trong ba năm. Điều này cho phép giáo viên phát triển quan hệ sát và lâu dài với học sinh, cho phép họ biết rõ từng cách học tập của trẻ, và khuyến khích ý thức cộng đồng mạnh mẽ giữa các em.

Chương trình dạy phụ thuộc vào khả năng lĩnh hội của từng trẻ. Giáo viên phải thiết kế bài học linh hoạt và đa dạng theo trình độ riêng của từng trẻ.

Và điều đặc biệt, nhà giáo không nên tưởng tượng rằng chỉ đơn thuần bằng việc học tập và trở thành con người có văn hóa là họ được chuẩn bị đầy đủ cho nhiệm vụ của mình. Trước hết, họ phải tự chuẩn bị từ bên trong và trau dồi một số kỹ năng đạo đức cho bản thân. Thay vì quá chú trọng đến các xu hướng xấu của trẻ, họ phải bắt đầu bằng sự truy tìm các khuyết điểm và các xu hướng không mấy tốt đẹp của chính bản thân họ. Bởi trong con mắt trẻ thơ, người lớn – giáo viên và cha mẹ là những hình mẫu đầu tiên mà trẻ luôn nhìn vào để noi theo. Hành động của chúng ta – chúng lan tỏa như cỏ dại trên một cánh đồng.

Vì vậy, người giáo viên luôn luôn phải tự hoàn thiện mình và không được để những điểm xấu của mình ảnh hưởng tới trẻ.

 


Chia sẻ