Giới thiệu về Khoa Y Dược

GIỚI THIỆU VỀ KHOA

I. Tổng quan về khoa

Lĩnh vực y tế sức khỏe là lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về bệnh lý, từ đó chẩn đoán, xây dựng phác đồ phòng và điều trị bệnh lý, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Một bộ phận khác chuyên nghiên cứu, chế tạo ra các dược phẩm để chữa trị, phục hồi hay nâng cao sức đề kháng cũng như sức khỏe được gọi chung là Dược học. Y học hiện đại ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y sinh học, công nghệ y học, máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán và chữa trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các phương pháp trị liệu khác...

Tổ chức, tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Y Dược.

Xây dựng chiến lược phát triển các ngành nghề đào tạo mới thuộc khối ngành Y Dược.

Văn phòng Khoa Y Dược

II. Mục tiêu đào tạo

1. Ngành Dược sĩ

a. Mục tiêu chung:

Chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp ngành Dược sỹ trung cấp thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Sau khi học xong chương trình này, người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy với chức danh Dược sỹ trung cấp.

Nội dung chương trình khung đào tạo Dược sỹ trung cấp bao gồm những kiến thức cơ bản về Giáo dục chính trị; Tin học; Tiếng Anh; Giáo dục thể chất; Pháp luật; Giáo dục quốc phòng - an ninh; Kỹ năng giao tiếp; Viết đọc tên thuốc; Thực vật dược; Hóa phân tích; Y học cơ sở; Tổ chức quản lý y tế; Kỹ năng giao tiếp và tư vấn dược; Dược liệu; Bào chế; Hóa dược - dược lý; Kiểm nghiệm thuốc; Bảo quản thuốc và dụng cụ Y tế; Quản lý dược và Maketing dược. Nội dung phần thực hành, thực tập của các học phần chuyên môn và thực tập tốt nghiệp được bố trí thành những học phần riêng để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh.


Tiết học lý thuyết môn Hóa dược – dược lý

b. Mục tiêu cụ thể:

Về kiến thức

  • Phân tích được một số đơn thuốc thông thường (tân dược và đông dược) để tư vấn cho người bệnh về lựa chọn thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
  • Trình bày khái niệm tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật bào chế các dạng thuốc thông thường.
  • Mô tả đặc điểm hình thái, bộ phận dùng, cách thu hái, công dụng, cách dùng và bảo quản dược liệu.
  • Trình bày những kiến thức cần thiết khi sử dụng các thuốc.
  • Trình bày nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng một số bệnh thường gặp.
  • Trình bày các hệ thống quản lý chất lượng như: GMP, GPP, GSP…
  • Trình bày các nhiệm vụ của Dược sỹ trung cấp trong công tác chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Về kỹ năng

  • Vận dụng được kiến thức của học phần cơ sở (y học cơ sở, kỹ năng giao tiếp…) để có khả năng giao tiếp, tư vấn cho người bệnh và cộng đồng về dự phòng và điều trị các bệnh đơn giản.
  • Có khả năng vận dụng được kiến thức của các học phần chuyên môn để thực hiện đúng quy chế, đúng kỹ thuật các nhiệm vụ: cung ứng, bảo quản, tồn trữ, cấp phát thuốc, bào chế được một số thuốc thông thường, có khả năng làm được một số kỹ thuật cơ bản trong lấy mẫu và kiểm nghiệm thuốc.
  • Áp dụng được kiến thức cơ bản về dược để hướng dẫn được người bệnh và cộng đồng sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; tham gia thực hiện được một số nhiệm vụ trong chương trình y tế tại cộng đồng.
  • Có khả năng vận dụng được kiến thức cơ bản về luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân để thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng thuốc.
  • Vận dụng được kiến thức cơ bản của các học phần chung, học phần cơ sở và chuyên môn để có khả năng học liên thông lên bậc cao đẳng hoặc học tiếp lên bậc đại học dược.
  • Thực hiện được một số kỹ thuật bào chế thông thường để có khả năng pha chế một số thuốc tại khoa dược bệnh viện và tiến hành đúng các thao tác theo quy trình sản xuất tại các cơ sở sản xuất thuốc hiện đại.
  • Thực hiện được một số kỹ thuật cơ bản trong kiểm nghiệm thuốc thông thường; thực hiện đúng các quy định về bảo quản, quản lý thuốc và các việc có liên quan đến đảm bảo chất lượng thuốc.
  • Cập nhật, đọc hiểu và vận dụng đúng các quy định của văn bản quản lý nghiệp vụ chuyên môn do Bộ Y tế ban hành vào thực tế hành nghề Dược.

Về thái độ

  • Tận tụy với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
  • Tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp trong quá trình làm việc.
  • Trung thực, khiêm tốn, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
  • Coi trọng kết hợp Y dược học hiện đại với Y dược học cổ truyền.

Tiết học thực hành ngành Dược sĩ

2. Ngành Điều dưỡng
a. Mục tiêu chung:

Chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp ngành Điều dưỡng thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Sau khi học xong chương trình này, người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy với chức danh Điều dưỡng trung cấp.

Nội dung chương trình đào tạo Điều dưỡng bao gồm những kiến thức cơ bản về Giáo dục chính trị; Tin học, Ngoại ngữ; Giáo dục thể chất; Pháp luật; Giáo dục quốc phòng - an ninh; Giải phẫu sinh lý; Vi sinh - ký sinh trùng; Dược lý; Dinh dưỡng - Vệ sinh an toàn thực phẩm; Vệ sinh phòng bệnh; Điều dưỡng cơ bản và kỹ thuật điều dưỡng; Kỹ năng giao tiếp và giáo dục sức khoẻ; Y học cổ truyền; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Điều dưỡng Nội khoa; Điều dưỡng Ngoại khoa, Điều dưỡng Nhi khoa, Điều dưỡng sản phụ khoa; Điều dưỡng Chuyên khoa; Điều dưỡng cộng đồng; Y học cổ truyền. Nội dung phần thực hành, thực tập của các học phần chuyên môn và thực tập tốt nghiệp được bố trí thành những học phần riêng để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh.

Tiết thực hành ngành Điều dưỡng

b. Mục tiêu cụ thể:

Kiến thức

  • Trình bày được những nội dung cơ bản về cấu tạo, hoạt động và chức năng của cơ thể con người trong trạng thái bình thường và bệnh lý.
  • Phân tích được sự tác động của môi trường sống đối với sức khỏe con người, các biện pháp duy trì, cải thiện điều kiện sống để bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
  • Phân tích được tâm lý người bệnh, người nhà người bệnh.
  • Trình bày được những nguyên tắc cơ bản về qui trình chăm sóc điều dưỡng.
  • Mô tả được các triệu chứng chính và các biện pháp phòng bệnh của các bệnh nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản - phụ khoa và bệnh truyền nhiễm thường gặp.
  • Trình bày được luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Kỹ năng

  • Thực hiện được các qui trình kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng cơ bản
  • Thực hiện được kế hoạch chăm sóc người bệnh theo đúng qui trình điều dưỡng.
  • Áp dụng được một số biện pháp chăm sóc điều dưỡng bằng y học cổ truyền cho người bệnh.
  • Tham gia phát hiện sớm các dịch bệnh tại địa phương và phối hợp công tác phòng chống dịch.
  • Tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng.
  • Phối hợp thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng

Thái độ

  • Yêu ngành, yêu nghề, tận tụy với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hết lòng phục vụ nguời bệnh
  • Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành
  • Khiêm tốn học hỏi, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
  • Bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Tiết học thực hành ngành Điều dưỡng

3. Ngành Y sĩ đa khoa

a. Mục tiêu chung:

Chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp ngành Y sỹ thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Sau khi học xong chương trình này, người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy với chức danh Y sỹ.

Nội dung chương trình bao gồm những kiến thức cơ bản về Giáo dục chính trị; Tin học; Ngoại ngữ; Giáo dục thể chất; Pháp luật; Giáo dục quốc phòng - an ninh; Giải phẫu - Sinh lý; Vi sinh - Ký sinh trùng; Dược lý; Dinh dưỡng - Vệ sinh an toàn thực phẩm; Vệ sinh phòng bệnh; Kỹ năng giao tiếp và Giáo dục sức khoẻ; Quản lý và tổ chức y tế; Điều dưỡng cơ bản và kỹ thuật điều dưỡng. Các học phần chuyên môn như: Bệnh nội khoa; Bệnh ngoại khoa; Sức khoẻ trẻ em; Sức khoẻ sinh sản; Bệnh truyền nhiễm - xã hội; Bệnh chuyên khoa; Y tế công cộng; Y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Nội dung phần thực hành, thực tập của các học phần chuyên môn và thực tập tốt nghiệp được bố trí thành những học phần riêng để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho hiệu quả.

b. Mục tiêu cụ thể:

Về kiến thức: Trình bày được những kiến thức cơ bản về:

  • Cấu tạo, hoạt động và chức năng của cơ thể con người.
  • Sự tác động qua lại giữa môi trường sống và sức khoẻ con người, các biện pháp duy trì và cải thiện điều kiện sống để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
  • Trình bày được những nguyên tắc cơ bản về chẩn đoán, điều trị và phòng một số bệnh thông thường.
  • Trình bày được Luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Về kỹ năng

  • Thực hiện được việc thăm, khám và chữa một số bệnh, chứng bệnh thông thường.
  • Phát hiện sớm và xử trí ban đầu các trường hợp cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở.
  • Làm được một số thủ thuật theo quy định của Bộ Y tế, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và phục hồi chức năng tại cộng đồng.
  • Chuyển tuyến trên kịp thời các bệnh vượt quá quy định và khả năng giải quyết ở tuyến y tế cơ sở.
  • Tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình y tế quốc gia, phát hiện dịch bệnh sớm, lập kế hoạch, triển khai thực hiện phòng bệnh và chống dịch.
  • Truyền thông giáo dục sức khoẻ; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, vận động cộng đồng cùng tham gia giải quyết những vấn đề sức khoẻ ở tuyến y tế cơ sở.
  • Quản lý trạm y tế xã.

Về thái độ

  • Thực hành nghề nghiệp theo luật pháp, tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
  • Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành.

Tiết học thực hành ngành Y sĩ tại trường


Buổi  giới thiệu ngành Y sỹ cho học sinh THCS tham quan tại trường

III. Cơ hội nghề nghiệp

1. Dược sĩ:

Học xong chương trình này, người học có đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản về Dược ở trình độ trung cấp, có đủ năng lực để được tuyển vào làm việc tại các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc và có khả năng học tập liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.

Công tác tại các nhà máy


Công tác tại các nhà thuốc

2. Y sĩ:

Sau khi học xong chương trình này, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để trở thành người cán bộ y tế, có khả năng quản lý, khám và điều trị một số bệnh thông thường theo quy định, chăm sóc; bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong các trường học, khu công nghiệp, nhà máy theo quy chế tuyển dụng công chức và người lao động của Nhà nước.

Công tác tại các bệnh viện, phòng khám

3. Điều dưỡng:

Sau khi học xong chương trình này, người học có đủ kiến thức, kỹ năng điều dưỡng để được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế của Nhà nước hoặc các cơ sở y tế ngoài công lập.

Sau khi tốt nghiệp người học có thể học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học điều dưỡng.

Công tác tại các bệnh viện

IV. Các ngành và bậc đào tạo

  • Y sĩ
  • Dược sĩ trung cấp
  • Điều dưỡng

V. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

1. Phòng học lý thuyết

  • 02 hội trường sức chứa 300 chỗ
  • 05 phòng giảng đường sức chứa 150 chỗ
  • Các phòng học lý thuyết khác

2. Các phòng học thực hành

  • Bào chế
  • Hóa phân tích
  • Dược liệu
  • Hóa dược – dược lý
  • Kỹ thuật điều dưỡng
  • Vi sinh – ký sinh trùng
  • Giải phẫu sinh lý
  • Sức khỏe sinh sản
  • Xét nghiệm